Những dự báo hỗn loạn của ngành bán lẻ Mỹ

Share

- Advertisement -

Dù lạm phát đã giảm xuống gần mức bình thường, người tiêu dùng vẫn cảm nhận rõ những tác động từ việc giá cả tăng cao và suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng đến sự không chắc chắn trong tài chính cá nhân. Vì vậy, Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) dự đoán chi tiêu cho mùa tựu trường của năm nay sẽ đạt 38,8 tỉ USD, tương đương khoảng 875 USD mỗi hộ gia đình, đứng thứ hai trong lịch sử.

Con số này có thể đóng vai trò là một thước đo quan trọng, không chỉ về cách mọi người chi tiêu, mà còn với sức khỏe của nền kinh tế. Ông Mark Mathews, Giám đốc nghiên cứu của NRF, cho biết: “Vẫn có nhiều ý định chi tiêu từ phía người tiêu dùng, mặc dù họ đã trở nên rất nhạy cảm với giá cả”. Ở các thời điểm khác trong năm, các mặt hàng như văn phòng phẩm, quần áo và thiết bị điện tử sẽ thuộc nhóm chi tiêu tùy ý. Tuy nhiên, trong mùa tựu trường thì các mặt hàng kể trên được xem là chi tiêu thiết yếu.

Theo một phân tích của các nhà kinh tế từ S&P Global Market Intelligence được công bố tuần trước, giá bán lẻ dự kiến sẽ giảm 0,7% trong năm nay, sau khi tăng 5,9% vào năm 2022 và 0,6% vào năm 2023. Trong khi đó, theo dữ liệu theo dõi bán lẻ hàng tháng từ công ty nghiên cứu thị trường Circana, một số đồ dùng học tập thường mua thực sự có giá rẻ hơn năm ngoái và một vài loại thậm chí còn thấp hơn giá năm 2019.

Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) dự đoán chi tiêu cho mùa tựu trường của năm nay sẽ đạt 38,8 tỉ USD.
Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) dự đoán chi tiêu cho mùa tựu trường của năm nay sẽ đạt 38,8 tỉ USD.

Trước đó, “ông trùm” bách hóa Macy’s công bố kế hoạch đóng cửa khoảng 150 cửa hàng tới năm 2027. Giám đốc điều hành Macy’s Tony Spring cho biết, việc tiếp tục thu hẹp số lượng cửa hàng bán lẻ nhằm tạo cơ hội cho Macy’s tập trung phát triển khoảng 350 cửa hàng còn lại, đồng thời đầu tư tốt hơn vào chuỗi bách hóa cao cấp Bloomingdale’s và chuỗi cửa hàng làm đẹp Bluemercury. Macy’s chịu ảnh hưởng nặng nề khi người tiêu dùng chuyển sang các chuỗi cửa hàng giảm giá. Doanh số bán hàng của Macy’s tại các cửa hàng mở cửa từ một năm trở lên đã giảm 4%.

Tính đến đầu tháng 5/2024, chuỗi bách hóa mang tên Macy’s còn lại 503 cửa hàng, gồm cả các địa điểm không nằm trong trung tâm thương mại. Một số cửa hàng bách hóa “mỏ neo” khác cũng bị thu hẹp hoặc rời khỏi trung tâm thương mại như Sears, Lord & Taylor, JCPenney. Mặc dù doanh số ròng giảm 3,8% trong quý 2/2024, Macy’s vẫn đạt được thu nhập điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu là 53 xu, vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích.

Trong quý vừa qua, doanh số bán hàng tại các cửa hàng Target mở cửa từ một năm trở lên cũng đã tăng 2%, lợi nhuận công ty tăng mạnh 36%, nhờ chiến lược giảm giá. Công ty này đã hạ giá bán hơn 5.000 mặt hàng thường được mua tại các cửa hàng nhằm thu hút khách hàng. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả, lượng khách ghé thăm các cửa hàng Target tăng 3% trong quý vừa qua, và khách hàng cũng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm không thiết yếu như quần áo.

Nhà phân tích Joseph Feldman tại công ty tư vấn đầu tư Telsey Advisory Group, nhận định người tiêu dùng đang tập trung vào các nhu yếu phẩm, đồng thời chỉ chi tiêu chọn lọc cho các mặt hàng không thiết yếu. Bất chấp thành công trên, Target vẫn tỏ ra thận trọng về dự báo kinh doanh trong phần còn lại của năm, với nhận định người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu cẩn trọng. Dù Target dự đoán doanh số sẽ tăng 2% trong năm nay, công ty này cũng lưu ý rằng mức tăng có thể thấp hơn kỳ vọng.

Target vẫn tỏ ra thận trọng về dự báo kinh doanh trong phần còn lại của năm.
Target vẫn tỏ ra thận trọng về dự báo kinh doanh trong phần còn lại của năm.

Với những lĩnh vực không thiết yếu khác, Estée Lauder đã đưa ra những triển vọng ảm đạm cho thời gian còn lại của năm  vào tuần trước, còn Urban Outfitters cho biết họ sẽ cần phải đẩy mạnh tiếp thị để thoát khỏi tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm bất ngờ. Gap Inc., cho biết công ty đang đẩy mạnh việc đổi mới thương hiệu, bao gồm cả chiến dịch mùa thu do ca sĩ Troye Sivan công bố vào tuần trước, để đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Citi Trends Inc, một nhà bán lẻ hàng đầu tại Hoa Kỳ về quần áo thời trang và phụ kiện, đã báo cáo tổng doanh số là 362,8 triệu USD trong nửa đầu năm tài chính 2024, tăng 2,7 phần trăm so với cùng kỳ năm tài chính 2023. Doanh số tại các cửa hàng tương đương, được tính theo cơ sở chuyển đổi tăng 0,7%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của công ty đã giảm xuống còn 35%, so với mức 37,5% hoặc 37,6% sau khi điều chỉnh vào năm 2023.

“Sau khi đánh giá một số lĩnh vực chính trong hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả việc xem xét toàn diện về danh mục sản phẩm, chúng tôi đã đưa ra quyết định chiến lược là thực hiện thiết lập lại hàng tồn kho để nhanh chóng thanh lý hàng tồn kho bán chậm và hàng tồn kho cũ trong thời gian cuối năm này”, Ken Seipel, giám đốc điều hành tạm thời của Citi Trends nói với tờ Retail Insight Network.

TJX, công ty mẹ của các chuỗi cửa hàng quần áo giảm giá TJ Maxx và Marshalls, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý vừa qua. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng mở cửa từ một năm trở lên đã tăng 4%. TJX đã nâng dự báo doanh số bán cho cả năm.

Trong khi người tiêu dùng đổ tiền vào Walmart, Target và TJ Maxx, họ lại cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác. Starbucks và McDonald’s đang gặp khó khăn khi người tiêu dùng quay lưng do đà tăng của giá đồ ăn nhanh và chọn các bữa ăn tự nấu tại nhà. Home Depot và Lowe’s cũng chứng kiến doanh số giảm do người Mỹ thực hiện ít các dự án cải tạo nhà cửa quy mô lớn.

Trong khi người tiêu dùng đổ tiền vào Walmart, Target và TJ Maxx, họ lại cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác.
Trong khi người tiêu dùng đổ tiền vào Walmart, Target và TJ Maxx, họ lại cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác.

Phát biểu trên Bloomberg, Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại Conference Board, cho biết dù đánh giá của người tiêu dùng về thị trường lao động hiện tại vẫn ở mức tích cực, họ vẫn bi quan về tình hình việc làm, thu nhập và cơ hội việc làm trong tương lai. Các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường lao động sau khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết tuần trước rằng Fed không muốn thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt. Báo cáo cho thấy kế hoạch mua ô tô và các thiết bị gia dụng lớn đã giảm so với tháng trước. 

Trong khi đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động cho thấy, tiền lương trung bình theo giờ và theo tuần đã cao hơn mức lạm phát trong một thời gian dài, điều này giúp duy trì sự chi tiêu của người tiêu dùng. Trưởng bộ phận tiêu dùng và bán lẻ của KPMG tại Mỹ – Duleep Rodrigo, cho biết có dấu hiệu lạc quan từ người tiêu dùng về mùa mua sắm vào mùa thu. “Điều này ngược lại với cái nhìn ảm đạm trong khảo sát mùa hè, và có thể dự đoán sự lạc quan này sẽ tiếp tục trong mùa mua sắm sắp tới”, ông nói.

Nhà Kinh Tế
Nhà Kinh Tế
Tin tức, phân tích và cập nhật các xu hướng mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới ngày nay.

Trending Posts

Cùng chủ đề