Tập đoàn Cao Su Việt Nam lên tiếng về việc lãnh đạo bị khởi tố

Share

- Advertisement -

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần (mã GVR-HOSE) thông báo về thay đổi nhân sự công ty và thông tin khởi tố.

Theo thông tin từ GVR, ngày 28/6 GVR đã có nhận đom từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị GVR của ông Trần Ngọc Thuận ghi ngày 20/6/2024. Theo đó, GVR đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị và đã thống nhất thông qua việc tiếp nhận đơn từ nhiệm của ông Trần Ngọc Thuận theo Nghị quyết số 162/NQ-HĐQTCS VN ngày 28/6/2024 của Hội đồng quản trị Tập đoàn.

Hội đồng quản trị Tập đoàn đã phân công lại nhiệm vụ các Thành viên Hội đồng quản trị theo Nghị quyết số 172/NQ-HĐQTCSVN ngày 11/7/2024 để đảm bảo việc chi đạo, quản lý điều hành Tập đoàn được liên tục và thông suốt.

Đến ngày 17/7/2024, Cổng thông tin điện tử Bộ công an có đăng tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với 04 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Đà Rịa và các đơn vị liên quan – trong đó có ông Trần Ngọc Thuận.

Theo GVR thì sự vụ xảy ra trong giai đoạn trước năm 2015 và trước khi Tập đoàn chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (từ ngày 01/6/2018), hiện Tập đoàn đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Mới đây, dựa trên phương pháp SOTP, SSI Research đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho GVR là 36.100 đồng/cổ phiếu (cao hơn 16% so với giá mục tiêu trước đó do chúng tôi giả định giá cao su cao hơn và tỷ lệ chiết khấu thấp hơn, từ 12% xuống 10,8%). Do đó, SSI duy trì khuyến nghị “trung lập” đối với cổ phiếu GVR.

Cụ thể: về kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024, GVR ghi nhận doanh thu đạt khoảng 7,12 nghìn tỷ đồng, tương đương 28,5% kế hoạch năm của công ty. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.108 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ), hoàn thành 32,2% kế hoạch năm của công ty. Nguyên nhân là nhờ giá cao su tăng mạnh, tăng hơn 18% so với cùng kỳ.

Về quá trình chuyển đổi đất từ cao su sang phát triển khu công nghiệp. GVR đang ưu tiên hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo phê duyệt đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển khu công nghiệp, phù hợp với chiến lược quy hoạch sử dụng đất ở nhiều tỉnh từ năm 2025 đến năm 2030. Tổng diện tích đất Khu công nghiệp đến năm 2025 -2030 dự kiến là 23.444 ha (+3,57 lần so với năm 2024), tập trung ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lợi nhuận từ đền bù đất cây cao su tại các Khu công nghiệp từ năm 2025. Trong năm 2024, SSI Research dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 24,5 nghìn tỷ đồng (+10,7% so với cùng kỳ) và 3,7 nghìn tỷ đồng (+11,4% so với cùng kỳ), cao hơn kế hoạch đặt ra của công ty, chủ yếu nhờ giá cao su tăng. Trong năm 2025, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế tăng 50,5% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận đến từ hỗ trợ đền bù đất trồng cây cao su tại các Khu công nghiệp như Cao su Đồng Nai, Cao su Bà Rịa, Cao su Dầu Tiếng và Cao su Phú Riềng.

SSI Research đánh giá triển vọng của GVR khá lạc quan nhờ diện tích đất cao su lớn nhất cả nước, với quỹ đất 394.782 ha trải khắp trên nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh… Việc chuyển đổi hơn 23.000 ha đất trồng cao su sang đất Khu công nghiệp là cơ hội đặc biệt để GVR viết tiếp chặng đường tương lai tiếp theo.

SSI Research cho rằng ngành kinh doanh cao su tự nhiên sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá cao su tăng trong thời gian tới (theo ước tính của SSI Research, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của GVR tăng 0,5%).

Nhà Kinh Tế
Nhà Kinh Tế
Tin tức, phân tích và cập nhật các xu hướng mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới ngày nay.

Trending Posts

Cùng chủ đề